Từ chuyện của Genova…
Một nửa thời gian của cuộc hội thảo, cử tọa ngồi lắng nghe KTS Giorgio Parodi (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thành phố Genova- Italia) kể về việc bảo tồn phố cổ tại đây. Cùng với những cung điện, nhà thờ, bảo tàng cổ, việc trùng tu những phố cổ tại Genova đã giúp cho quần thể di tích này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2006.
Ngắn gọn, theo phân tích của vị KTS này, chìa khóa cho việc trùng tu khu phố cổ Genova nằm ở 2 thao tác: khảo sát phân loại và lên kế hoạch trùng tu thật “chuẩn”, đồng thời tích cực đi tìm sự ủng hộ từ người dân địa phương. Cụ thể, sau khi phân loại, chính quyền của thành phố miền Bắc nước Italia này chỉ chọn 48 công trình cổ có giá trị nhất để đưa vào danh sách đầu tư, trùng tu đặc biệt. Số còn lại tùy theo giá trị kiến trúc sẽ nhận được những biện pháp hỗ trợ khác nhau từ chính quyền, thậm chí một số con phố còn do người dân tự bỏ tiền ra tu bổ theo “chuẩn” và giám sát của Hội KTS thành phố. Túc tắc trong 20 năm, phố cổ tại Genova dần chuyển mình. Các nhà máy, xí nghiệp trong thành phố đều dần được chuyển đi nơi khác, còn khu phố cổ dần trở thành một bảo tàng sống cho người dân kiếm lợi nhuận bằng các nghề thủ công truyền thống, kinh doanh du lịch, mở quán bar…
“Tháng trước, một tờ báo tại Italia đăng một phóng sự về phố cổ Hà Nội, kèm theo đó là một bức ảnh chụp Ô Quan Chưởng rất đẹp. Sang đây, nhìn tận mắt, tôi thấy mọi chuyện không được như vậy, vì người chụp đã xóa đi những đường dây điện, ống nước, cửa sổ… ngổn ngang sau đó. – Parodi chia sẻ thẳng thắn – Với những chuyện quá nhỏ như vậy, các bạn hoàn toàn có thể tiến hành mà không cần bàn thảo nhiều”.
“Chúng ta đã nghe quá nhiều lời khuyên…”
Những giải pháp mà KTS Parodi và đồng nghiệp “hiến” cho phố cổ Hà Nội chủ yếu mang tính định hướng. Đó là các vấn đề xác định những yếu tố kiến trúc mang tính “tổng thể” cho cả khu phố cổ, lựa chọn và phân loại các căn nhà tiêu biểu trên góc độ lịch sử- nghệ thuật- giá trị sử dụng, chú ý tới không gian sống, cải tạo hạ tầng, từng bước làm thí điểm ở một vài ô nhà và tuyến phố…Nhìn chung, như lời của ông Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội, thì đó là các vấn đề đã phần nào được tiến hành tại phố cổ Hà Nội và nhận được những thành công nhất định. Bởi, tính ra đã có cả chục quốc gia (Nhật Bản, Australia, Thụy Điển, New Zealand…) cùng “tham mưu” cho phố cổ Hà Nội và nhắc tới các phương án này trong khoảng 15 năm qua. Cái khó nhất nằm ở việc những đề xuất, kế hoạch ấy đều… chậm hơn một nhịp so với thực tế cuộc sống tại phố cổ.
Điển hình, việc lập hồ sơ thống kê, đánh giá về giá trị kiến trúc tại phố cổ Hà Nội cũng luôn thay đổi với tốc độ chóng mặt. Năm 1995, bản quy hoạch phố cổ đưa ra danh sách 24 di tích cần bảo vệ trong khu phố cổ. Con số đó được nâng lên thành 104 di tích vào năm 1998 và 121 di tích vào năm 2004. Tương tự, năm 1995, danh sách các kiến trúc nhà cổ có giá trị tại đây là 800 nhà, sau đó lại tụt xuống 300 di tích vào năm 2008. Cùng với đó là hàng loạt thay đổi rắc rối trong kế hoạch giãn dân ra các khu đô thị Việt Hưng, Ngọc Thụy, để rồi người dân – “chủ thể” của phố cổ – vẫn không mấy mặn mà với các dự án này.
“Chúng ta đã nghe quá nhiều lời khuyên của bạn bè, nhưng thực tế diễn ra trong việc bảo tồn phố cổ Hà Nội khá phức tạp”- KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận xét – “Tới bây giờ, việc tu bổ, tôn tạo phố cổ Hà Nội vẫn thiếu một hành lang pháp lý cụ thể, cho dù có thể hi vọng rằng mọi thứ sẽ tốt hơn với việc xây dựng Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 và cho ra đời Luật thủ đô vào thời gian tới”.
Theo TTVH