Tối đó, sau bao nhiêu mệt mỏi dồn nén của công việc và gánh nặng chi tiêu trong gia đình, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (quận Tân Phú – TPHCM) tức tưởi nói với chồng: “Em không biết 5 năm nay anh làm gì mà không góp tiền cho em. Từ nay trở đi, hằng tháng anh đưa lương cho em đi, để em thêm vào mua sữa, đóng học phí cho con. Vật giá leo thang quá, lương của em không kham nổi nữa”. Đáp lại yêu cầu của vợ là tiếng ừ hử, rồi anh Cường lại dán mắt vào màn hình tivi, giống y như những lần trước chị Lan yêu cầu chồng “góp gạo”.
Đàn ông… chỉ lo việc lớn?
Từ ngày cưới, mọi chi tiêu trong gia đình và việc chăm sóc hai con anh Cường đều “dành cho vợ”. Khi chị hỏi lương thì anh bảo “để anh lo việc lớn như xây nhà, tậu xe”. Nhưng rồi, chẳng thấy chồng làm được việc lớn gì ngoài… việc nhậu nhẹt với bạn bè, liên tục đổi điện thoại di động xịn, mua máy ảnh đời mới.
Không chỉ mình chị Ngọc Lan lâm vào cảnh “chồng không chịu góp gạo”. Chị Khánh Chi (quận Bình Thạnh – TPHCM), buồn bã tâm sự: “Từ hồi cưới nhau đến giờ, chồng tôi không hề đưa lương, thưởng gì cho vợ. Lúc nào tôi thúc giục lắm mới đưa được vài triệu, xong đâu lại vào đấy. Mọi việc trong gia đình, họ hàng nội ngoại, du lịch, tết nhất… đều một tay tôi phải lo. Ban đầu tôi nghĩ rằng thôi lương anh ấy ít, để chi tiêu khi có bạn bè cũng được. Nhưng lâu dần, thấy điều ấy rất bực mình, giống như mình sống với người không có trách nhiệm vậy”.
Điều đáng buồn là những ông chồng ấy lại coi chuyện “không đưa tiền cho vợ hằng tháng là điều hiển nhiên”. Anh Minh, chồng chị Khánh Chi, nói: “Lương ai người ấy tiêu. Đàn ông cũng phải ngoại giao, còn phải làm bao nhiêu việc, nếu đưa tiền cho vợ làm sao lấy lại”.
Dễ “đường ai nấy đi”
Chị Liên (Biên Hòa, Đồng Nai) lý giải về sự “bỏ chồng” của mình: “Không bao giờ anh ấy thấu hiểu được nỗi vất vả của tôi khi phải gánh vác một gia đình. Tiền lương của anh ấy chỉ chi tiêu cho bản thân chứ có bao giờ đưa cho tôi đồng nào? Xe tôi mua thì anh ấy đi, điện thoại cũng đòi tôi sắm nhưng đi ra đường thì cứ tinh tướng khoe đó là do mình làm ra, rồi mình là người chăm sóc vợ tốt. Tôi không chịu được cái sự vô trách nhiệm đó hơn nữa”.
Chị Liên cũng nói thật rằng trong khi chồng mình vô tâm như thế, nhưng khi ra ngoài, chị lại thấy rất nhiều người đàn ông biết quan tâm, sẵn lòng giúp đỡ chị từ tài chính đến tinh thần nên chị quyết định chia tay để tìm hạnh phúc mới.
Còn chị Ngọc Lan tâm sự:“Trong khi tôi “đỏ mắt”, gầy rộc đi vì phải kiếm tiền nuôi con, nuôi sống gia đình thì anh ấy vẫn bình chân như vại, mặc nhiên để tôi tự gánh vác mọi thứ. Nếu cuộc sống vợ chồng mà không nhường cơm sẻ áo, chia sẻ chuyện tiền nong thì tôi nghĩ có chồng chẳng để làm gì”. Và cũng như nhiều phụ nữ có chồng “không chịu góp gạo” khác, chị Ngọc Lan cũng dần dần nhạt tình cảm với chồng và “xem có cũng như không”.
Chị Khánh Chi thì lý giải cho việc mình có người đàn ông khác ngoài chồng: “Tôi không có ý định ngoại tình nhưng rồi chồng tôi cứ mãi không chịu chia sẻ những khó khăn của tôi; còn người đàn ông kia lại thông cảm, chia sẻ và quan tâm, lo lắng cho tôi… Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã ngả vào vòng tay người đàn ông đó”.
Tuy nhiên, cũng có người phụ nữ quá yêu chồng, gia đình cũng khá giả, bản thân kiếm được nhiều tiền nên muốn chồng thoải mái. Chị Hoàng Thị Xuân là một người như vậy. “Nhưng tôi có ngờ đâu, chồng tôi làm được bao nhiêu tiền không đưa về cho vợ đã đành, chi tiêu cho bản thân, ăn nhậu với bạn bè tôi cũng không giận, đằng này lại đi chăm sóc bồ nhí. Giờ rút kinh nghiệm thì đã muộn, tình cảm tan vỡ rồi, chúng tôi đành chia tay nhau” – chị Xuân tâm sự.
(Theo NLĐ, giadinh)