Đài thiên văn Chandra của NASA là đài thiên văn quang tuyến công nghệ cao “quyền năng” nhất thế giới. Nó nhạy đến nỗi có thể “tóm” được hình ảnh của các phần tử khi chúng bị các lỗ đen sâu thăm thẳm hút vào.
Khác với các kính thiên văn quang học, các kính quang tuyến chụp hình ảnh sự vật nhờ vào bức xạ năng lượng cao của chúng chứ không phụ thuộc vào ánh sáng mà chúng phát ra. Và vì những hình ảnh này được tổng hợp từ những làn sóng điện từ tần số rất cao nên chúng rõ nét hơn những hình ảnh do kính Hubble ghi lại.
Độ nhạy của Chandra gấp khoảng 25 lần so với bất kỳ một kính quang tuyến nào hiện nay, quỹ đạo của nó cũng lớn hơn gấp 200 lần so với quỹ đạo của Hubble; nhờ vậy mà Chandra có thể nhìn sâu hơn vào không gian, thu được hình ảnh của những sự kiện cách xa trái đất khoảng 10 tỷ năm ánh sáng.
Đài thiên văn quang tuyến Chandra đã cung cấp cho các nhà khoa học những hình ảnh rõ mồn một về các tàn tích của sao băng, các chuẩn tinh, hình ảnh những ngôi sao đang bùng nổ, các tinh vân và vật chất đen, cùng nhiều sự kiện thiên văn khác. Các nhà khoa học tin rằng, nhờ có Chandra mà chúng ta sẽ có được những hiểu biết đáng kinh ngạc về nguồn gốc của sự sống.
Tuy nhiên, Chandra vẫn chưa phải là cái tên cuối cùng trong danh sách các kính viễn vọng không gian. Một thế hệ kính viễn vọng kế tiếp đã và đang được phát triển, dự kiến sẽ được phóng vào không gian vào năm 2013, và lần này nó sẽ không quay quanh trái đất mà quay quanh mặt trời.
(theo vietnamnet)