Chờ… yêu
Thấy chồng càng ngày càng hờ hững, chị Khanh (P.Trung Hòa, Cầu Giấy – Hà Nội) đã gọi điện đến Trung tâm Tư vấn An Việt Sơn than thở. Vợ chồng chị lấy nhau được 15 năm nhưng đã bảy năm nay, anh luôn hờ hững với chị. Suốt thời gian ấy, vợ chồng chị không ngủ chung giường. Anh với con trai nhỏ nằm một giường, chị và con gái lớn nằm một giường. Giữa hai vợ chồng dường như không có sự trao đổi, giao tiếp riêng tư với nhau. Đôi khi chị muốn trao đổi với chồng điều gì đó nhưng vừa mở miệng là anh Bình – chồng chị buông ngay câu “em biết gì mà nói”…
Nghĩ chồng đã chán mình vì tuổi tác, vì nhan sắc tàn phai nên chị vô cùng đau khổ. Tâm sự với chuyên viên tư vấn, chị cho biết, chị là người vợ khá chu toàn việc gia đình, chăm sóc chồng con chu đáo. Chồng đi làm về, chị cơm bưng nước rót, chăm sóc đến tận “răng”. Buổi tối, không bao giờ chị ăn cơm trước. Anh về muộn đến mấy chị vẫn chờ. Có những hôm đói meo vì chờ cơm chồng, nhưng về nhà anh lại không ăn khiến chị càng trở nên căng thẳng. Từ những bữa cơm như vậy, vợ chồng càng trở nên xa cách, rồi chiến tranh lạnh, những nghi kỵ… “anh chẳng quan tâm gì đến vợ con”, “anh coi em là con ở hay là kẻ trông nhà”, “từ lâu rồi, anh chẳng hề coi em là vợ. Em mệt mỏi lắm rồi”… là những câu “cửa miệng” chị thường nói với chồng. Đáp lại, anh luôn cho là chị đòi hỏi quá đáng. Theo anh, “việc kiếm tiền đã rất mệt mỏi”, “về nhà chỉ mong được nghỉ ngơi” thì chị lại ca cẩm, không để anh yên. Thực tế, điều chị khao khát không phải tiền bạc mà là tình cảm và sự quan tâm của chồng.
Chị Ngọc Mai, giáo viên ở Q.Bình Thạnh – TP.HCM, vẫn còn nhớ như in câu nói của chồng trước ngày cưới. Một lần ngồi tình tự ở quán cà phê, thấy một cặp vợ chồng (người vợ đang mang thai) chuyện trò ríu rít ở bàn bên, chị hỏi: “Lấy nhau rồi, anh có đưa em đến quán cà phê như thế này không?”. Anh Thiện-chồng chị bây giờ, nói không cần suy nghĩ: “Có chứ! Sao em lại lo những chuyện không đâu thế nhỉ”. Chị đã tin và chờ đợi… nhưng những bữa cà phê, những buổi trò chuyện giữa vợ chồng chị cứ thưa dần rồi mất hẳn.
Thỉnh thoảng vợ chồng chị chở nhau đi làm, ghé đâu đó để ăn sáng thì chẳng khác gì hai người xa lạ. Chị Mai chỉ mong chồng hỏi mình những câu như “em ăn nước trong nhé”, “ăn quả trứng chần đi cho khỏe”; “em đừng ăn ớt sẽ nổi mụn đấy”… nhưng anh cứ hì hụi ăn. Nhìn chồng cắm cúi ăn, chị nghĩ “anh ấy đã chán mình, không còn muốn ngồi với mình nữa, chỉ muốn ăn cho xong để giải thoát khỏi vợ….”. Cứ nghĩ đến đó là chị nghẹn ngào, không thể ăn được. Nhiều lần anh chứng kiến cảnh vợ bỗng dưng buông đũa, mắt đỏ hoe… mà chẳng hiểu gì. Ban đầu anh còn gặng hỏi, hỏi không ra thì cáu… vì kết quả là vợ khóc, rồi giận dỗi, rồi bị vợ cấm vận, rồi chiến tranh lạnh… Anh thực sự mệt mỏi, cuối cùng rút ra kết luận: “Phụ nữ phức tạp! Tốt nhất là… kệ, cho lành”.
Tâm thế phụ thuộc
Cách mà các bà vợ đòi hỏi chồng quan tâm thường thì không thể có được kết quả như mong muốn, lại còn gây áp lực với chồng, mua lấy sự căng thẳng cho mình. Việc chờ đợi cũng như sự căng thẳng đó, trên thực tế đã tước mất nhiều cơ hội của phụ nữ: cơ hội về việc làm, cơ hội thăng tiến, cơ hội làm phong phú bản thân… Chính vì thế, họ bị bế tắc giữa ước muốn và hiện thực. Càng muốn được chồng quan tâm thì chồng càng hờ hững. Việc “chờ chồng” là thể hiện của một tâm thế sống phụ thuộc, không biết làm chủ cuộc sống của chính mình. Từ sai lầm đó, phụ nữ thường biến mình thành vật hy sinh cho chồng con và gia đình.
Có một thực tế là khi lập gia đình, phụ nữ có nhiều áp lực như chăm sóc con cái, nội trợ, rồi đối nội đối ngoại, ứng xử với gia đình hai bên… Áp lực công việc cộng thêm sự mất niềm tin về chồng sẽ rất dễ khiến phụ nữ quên mất bản thân, chỉ còn biết sống vì con, vì gia đình. Họ cứ vùi mình vào công việc, chăm sóc con cái, làm với gánh nặng trong lòng mà không biết tận hưởng niềm vui xung quanh mình.
Thực tế, không hiếm các bà vợ suốt đời hết lòng hết dạ với gia đình, chồng con nhưng cuối đời lại bị chồng phản bội. Đây chính là “trái đắng” trong hôn nhân mà căn nguyên là do phụ nữ không biết yêu quý bản thân mình. Nhiều năm làm công việc tư vấn hôn nhân gia đình, chuyên gia tâm lý Nguyễn Việt Hà (Trung tâm Tư vấn An Việt Sơn – Tổng đài 1088 – Hà Nội) nhận thấy, có rất nhiều bà vợ than thở chồng không yêu mình, từ đó sinh ra buồn chán và nghĩ đến những điều tiêu cực. Nhiều người thấy chồng hờ hững, nên than thân trách phận, rồi theo dõi kiểm soát, rồi kỳ vọng chồng thay đổi, rồi bắt chồng phải yêu mình. Do bó hẹp bởi tâm thế lệ thuộc nên thực tế, không mấy phụ nữ biết chủ động cuộc sống của mình. Việc tự chủ là hết sức cần thiết, nó không những giúp chúng ta giải quyết được những khó khăn của mình mà còn nâng giá trị bản thân, làm cho người khác tôn trọng và yêu quý mình hơn. Trong quan hệ vợ chồng cũng vậy, một người vợ tự chủ, không quá phụ thuộc vào chồng sẽ được chồng nể trọng và yêu quý hơn.
![]() |
Ảnh mang tính minh họa: P.Huy
Yêu bản thân
Cách tốt nhất để có thể mãi hấp dẫn chồng chính là tạo vị thế độc lập của mình chứ không phải là cúc cung tận tụy, hy sinh mọi thứ cho chồng con. Muốn tạo vị thế, trước hết chị em phải biết yêu quý bản thân bằng cách tận hưởng cuộc sống: làm đẹp, làm phong phú mình bằng đọc sách, nghe nhạc, học tập… Dù bận đến đâu thì thỉnh thoảng cũng nên nhìn lại mình. Phải dành khoảng thời gian cho riêng mình để tìm đến những điều mình yêu thích. Mỗi lứa tuổi đều có sức hấp dẫn riêng. Vẻ đẹp của tuổi 20 là sự ngọt ngào tươi mới. Vẻ đẹp của người phụ nữ 40 là độ chín của tâm hồn. Vì vậy, việc quan tâm đến bản thân lúc này không chỉ ở vẻ ngoài mà cần quan tâm đến đời sống nội tâm. Bản thân mình vui thì chồng vui, con vui và gia đình sẽ vui vầy hơn.
Có những niềm vui ở ngay bên cạnh ta, nó đến từ những thứ nhỏ nhặt hàng ngày chứ không phải là những điều to tát. Đôi khi chúng ta tìm thấy những niềm vui nho nhỏ như mặc một chiếc váy đẹp, trang điểm nhẹ nhàng. Phụ nữ ai cũng thế thôi, nhìn vào gương thấy đôi má ưng ửng hồng, thấy mình xinh xắn hơn ngày thường là đã thấy yêu đời. Sống vui chính là bí quyết hấp dẫn chồng của các bà vợ mà người đàn ông không thể tìm thấy ở người tình. Vậy thì không có lý do gì để chúng ta không biết yêu quý và chăm sóc mình.
Chị Khanh sau khi được tư vấn mới nhận ra, chính chị đã gây nên sự căng thẳng trong quan hệ vợ chồng. Chị càng trách móc thì chồng chị càng trở nên xa cách; càng có tâm trạng chờ đợi, cô đơn thì chị càng nghĩ đến những điều tiêu cực. Để không tạo áp lực và gây căng thẳng cho chồng nữa, những ngày anh về muộn, chị ăn trước, để phần cơm cho anh. Sau đó, chị dành thời gian đi bộ và đọc sách. Chị tìm lại được sở thích đọc tiểu thuyết từ thời còn trẻ. Vì tìm thấy niềm vui cho mình nên mỗi khi chồng về, chị thường đón anh với nụ cười tươi, hỏi anh ăn uống gì chưa với tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Chị Khanh thường ngồi xới cơm cho chồng ăn, kiệm lời hơn và chỉ nói những điều cần nói. Sự ấm áp lại trở về với gia đình chị.
Lâm Thanh
(theo phunuonline)