Từ việc chung…
Mỗi lần lớp có việc gì, từ chi tiêu 8/3, 20/11 bao giờ Hà cũng thấy mệt mỏi với vai trò thủ quỹ. Không đơn giản chỉ là thu và chi, lần nào, Hà cũng phải đứng trước bao câu hỏi, đủ thứ giải trình dù cô bé đã cố gắng ghi chép lại các khoản cần chi, lấy hóa đơn rõ ràng và công khai trên blog của lớp. Thế nhưng, có chênh đi một hai nghìn đồng cũng đủ để mọi người “soi mói”.
Buổi tổng kết đầu tiên, công khai thu chi quỹ lớp vì đã gần hết học kỳ rồi mà nhiều bạn vẫn chưa chịu đóng, Hà ngỡ ngàng khi nghe các thành viên lớp mình đứng ra chất vấn lớp phó đời sống chỉ vì số tiền công khai chênh với khoản tiền đã thu được… 10 nghìn đồng. Cứ nghĩ mọi người hỏi cho xong chuyện, Hà cũng tếu lại rằng “khoản tiền đó uống trà đá mất rồi”. Không ngờ, các bạn lại vin vào cái cớ đó, bảo rằng ban cán sự lớp không sòng phẳng, rõ ràng, lấy tiền chung chi vào việc riêng. Sau 1 năm vật lộn với vai trò lớp phó đời sống, Hà nhanh chóng rút lui vì không thể chịu nổi cái kiểu tra hỏi sòng phẳng vớ vấn ấy nữa.
Đến bây giờ, Tùng vẫn không hề hài lòng vì cái kiểu cái gì cũng “share” của nhóm bạn thân. Đành rằng, đang là sinh viên, không ai có đủ tiền để bao cả nhóm, mà có đi nữa cũng không phải tiền mình làm ra nên không thể đổ tất lên đầu một người được. Thế nhưng, Tùng không thích cái kiểu 7 thằng con trai với nhau mà có mấy cốc trà đá vỉa hè cũng phải móc túi từng thằng ra để… góp tiền. Những bữa ăn uống, nhậu nhẹt thì Tùng đồng ý theo kiểu “lê quyên” nhưng những khoản nho nhỏ, chẳng đáng bao nhiêu mà cũng đứng đó đóng một vài nghìn để trả cho chủ quán thì Tùng không thể nào chịu nổi.
Nhiều lần góp ý với lũ bạn rồi, nhưng chúng vẫn chứng nào tật nấy bởi “mấy đứa cho rằng, tiền bạc cứ phân minh sòng phằng mới giữ được quan hệ lâu dài. Ít nhiều gì cũng nên share cho nó dễ”. Tùng cũng chẳng biết nói sao ngoài việc nghe theo đa số nhưng trong lòng thì khó chịu vô cùng.
… Đến tình riêng
Không chỉ trong việc chung, 9X bây giờ sòng phẳng ngay cả trong chuyện yêu đương, dễ thấy nhất là chuyện phân chia tình phí.
Mới là sinh viên năm thứ 2, nhưng Nga và Hùng đã có kiểu “chia nợ” sòng phẳng lắm. Yêu nhau được 1 năm, mọi khoản chi tiêu cho “tình yêu” trong tháng đều được Nga ghi lại trong một quyển sổ nhỏ. Hôm nay ăn gì, mua gì, ai trả tiền đều được Nga ghi tỷ mỉ, để xem người nọ còn nợ người kia bao nhiêu. Đến tháng, gia đình gửi tiền ra thì… trả nợ cho nhau.
Đôi bạn này cho rằng, đó là tình yêu kiểu “văn minh”, để không bị gánh nặng tài chính chi phối. Vì thế, qua một năm yêu nhau, cuốn sổ của Nga đã chi chít những ghi chép về các khoản tiêu của hai người. Chẳng bao giờ cặp đôi này cãi nhau về chuyện tiền nong bởi ngay từ đầu đến với nhau, cả hai đều nhất quán phương châm “tiền bạc phân minh” dù không biết ái tình có dứt khoát hay không.
Không ghi chép cẩn thận như Nga nhưng Thuận và Nam lại có kiểu phân chia tình phí khá buồn cười. Cứ đi ăn hay đi chơi thì hai người thay phiên nhau thanh toán. Lúc thì “tính tiền cho em” khi thì “tính tiền cho bạn em”. Những người biết chuyện ai cũng khen Nga và Thuận tài nhớ bởi chẳng bao giờ họ nhớ nhầm lượt trả tiền của nhau.
Thậm chí, mua sắm cái gì họ cũng phân chia rõ ràng “Em mua áo cho anh, anh chi tiền mua cho em cái túi”, không ai tự nhiên đi mua không cho ai cái gì bao giờ. Sòng phẳng hơn, họ chỉ mua cho nhau các món quá có giá trị tương đương, nếu có chênh lệch cũng không đáng kể. Nếu ai quen thân với cặp đôi này sẽ dễ dàng nhận ra, khi Thuận có món đồ gì mới thì cũng có nghĩa, Nam cũng có nhưng đương nhiên không phải đồ đôi. Tình yêu của họ xây dựng trên sự sòng phẳng đến kinh ngạc.
Vẫn biết, sòng phẳng không có gì là xấu, nhất là trong chuyện tiền bạc. Thế nhưng, sự sòng phẳng dẫn đến những tính toán chi li, kể cả trong tình yêu thì có lẽ chỉ có ở 9X.
(Theo Zing)