Có bận, Ích quên lời, lập tức dì hỏi: “Con không nói à?”, Ích líu ríu: “Con mời mẹ”. Ngược lại, dì cũng không quên nói: “Mẹ cảm ơn con”. Ích cũng phải trả lời lại ngay là “Không có gì ạ”. Những câu nói đi, đáp trả cứ lặp đi lặp lại như một cái máy khi có sự trao đổi, nhờ vả giữa 2 dì cháu.
Một lần, Ích mắc lỗi. Dì nhờ đi lấy cái lược để chải đầu thì Ích mải chơi không đi lấy.
Dì dọa: Lần sau dì không mở “đào vàng” cho chơi, không tết tóc đẹp, không đánh móng tay cho Ích nữa.
Dì bảo: Con không vui thì thôi, dì không nhờ nữa.
Ích cố ra vẻ tươi tỉnh đưa cái lược cho dì.
Dì yêu cầu tiếp: Con không nói gì à?
Ích nói như cái máy: Con mời mẹ!
Dì vẫn chưa vừa ý: Con nói sao nữa?
Ích hếch mũi lên: Con xin lỗi, được chưa?
Đến đây thì cả nhà được phen cười váng. Dù biết việc dạy con những điều này là nhỏ nhặt, nhưng dì của Ích vẫn rất cố công.
Ngoài việc yêu cầu nói “cảm ơn, xin lỗi”, dì còn dạy Ích cách chào hỏi bạn bè khi lần đầu gặp mặt.
Bên hàng xóm có nhà mới chuyển đến ở, bạn gái 5 tuổi lần đầu sang chơi, dì yêu cầu 2 bạn bắt tay nhau và nói “Chào cậu, rất vui được làm quen với cậu”. Những đứa trẻ mới đầu có vẻ gượng gạo và xấu hổ. Nhưng sau khi được dì khích lệ: “Các con phải chào hỏi nhau thật tự tin và vui vẻ, sao phải ngại nhỉ?”, thế là bọn trẻ cười cười bắt tay chào nhau như dì bảo và sau cùng chơi với nhau rất vui.
Từ việc dạy con “xin lỗi” mình, dì liên hệ tiếp sang các bạn của con. Khi làm rơi đồ chơi của bạn hay làm bạn đau thì phải biết “xin lỗi”. Bạn cho miếng bánh đề cùng ăn, hay cho cái vòng để cùng đeo trên tay thì ngay lập tức phải “cảm ơn bạn”.
Chị Hiền để ý, chỉ riêng 3 câu: “xin lỗi”, “cảm ơn”, “không có gì” được dì nhắc bé nói bất cứ lúc nào có tình huống trong ứng xử. Kết quả là, con gái nói những câu đó như bản năng. Chỉ cần mải chơi với bạn, rơi đồ chơi hay rơi kẹo của bạn xuống đất mà quên không “xin lỗi”, dì ngồi quan sát thấy được lập tức nhắc nhở ngay.
Theo những nhà tâm lý học, dạy trẻ ứng xử là một quá trình lâu dài và phải rất kiên nhẫn, nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Việc này sẽ khiến các bậc cha mẹ mất nhiều thời gian, nhưng đổi lại, những thói quen đó sẽ ăn vào tiềm thức của trẻ cho đến khi chúng trưởng thành.
Và khi các em lớn lên, hy vọng những người “hà tiện” hoặc thậm chí không hề biết tới những câu “cảm ơn, xin lỗi” sẽ ít dần đi…
(Theo Vietnamnet)