Vợ chồng anh Thắng, chị Hà đều là du học sinh bên Nga trở về. Trong thời gian du học họ đã chứng kiến nhiều em bé Nga ngủ riêng một cách ngon lành ngay trong mùa đông giá lạnh. Chính vì thế việc cho con ngủ riêng được vợ chồng họ thống nhất một cách dễ dàng.
Theo họ cũng như theo nhiều gia đình khác, ngủ riêng sớm sẽ dạy con sớm có tính tự lập, không ỷ lại vào người lớn. Hai vợ chồng vì thế cũng có không gian riêng, không sợ làm phiền con cũng như thoải mái trong những sinh hoạt riêng của mình. Việc họ cần làm hàng ngày là chúc con ngủ ngon và thỉnh thoảng sang phòng con quan sát mà thôi.
Với gia đình chị Phương, anh Sơn thì khác. Bé Bống nhà chị hiện đã lên bốn nhưng vẫn ngủ chung giường với bố mẹ mặc dù anh chị cũng đã chuẩn bị cho cháu một phòng riêng từ lâu. Theo anh chị thì ngủ riêng sẽ làm giảm mối liên hệ giữa cha mẹ và con. Hơn nữa chị cũng lo khi không có mẹ ở bên, bé có thể bị lạnh khi đạp chăn ra ngoài mà không có người đắp kịp thời, không thể bên con ngay khi con gặp ác mộng… Điều đó làm chị không yên tâm.
Cho con ngủ riêng với chị Hằng mới thật sự là khó xử. Anh chị đã thống nhất được việc cho con ngủ riêng nhưng bà nội cu Tít thì nhất định không đồng ý. Ngày đầu biết chuyện chị có ý cho cu Tít (3 tuổi) ngủ riêng bà đã giận gần một tuần. Bà bảo: “Chẳng biết các anh chị học Tây học Tàu thế nào, chỉ có những bà mẹ không thương con mới cho con ngủ riêng, bắt con nằm lạnh lẽo một mình”. Bà còn tuyên bố, bà chỉ có mỗi một thằng cháu đích tôn, cho nó ra ngủ riêng chẳng may ho hắng làm sao bà sẽ không để yên cho mẹ nó. Vậy là ý định cho cu Tít ra ngủ riêng đến nay vẫn gặp nhiều rắc rối chưa thực hiện được.
Ý kiến chuyên gia
Theo nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về trẻ em, muốn ôm con trong vòng tay và cùng con ngủ là xu hướng tự nhiên của nhiều bậc cha mẹ. Đây cũng là cách dễ dàng nhất để trẻ ngủ mà không cần mất nhiều thời gian dỗ dành, lại thắt chặt thêm tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Tuy nhiên bà Esther Boyland Wolfson, giám đốc trung tâm phát triển trẻ em giai đoạn đầu (Mỹ) khẳng định rằng: Đó là cách dễ dàng nhất giúp trẻ đi vào giấc ngủ nhưng không phải là cách tốt nhất cho bé. Thấu hiểu những tác hại có thể có của việc ngủ chung sẽ khiến cho các bậc cha mẹ mạnh dạn hơn trong việc đưa ra quyết định để bé ngủ riêng và không cần lo ngại bé sẽ bị đối xử lạnh lùng.
Một lí do khác nữa mà bà Wolfson đưa ra là, thế giới của cha mẹ không chỉ xoay quanh con. Mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ cần được vun đắp thường xuyên. Dưới áp lực công việc, khoảng thời gian duy nhất vợ chồng có thể dành cho nhau trong ngày chính là hàng đêm sau khi con đã ngủ say. Dưới hai góc độ cá nhân và nghề nghiệp, bà khẳng định cặp cha mẹ hạnh phúc có nhiều khả năng và cơ hội giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn.
Cũng có những ý kiến trái chiều từ các nhà nghiên cứu cho rằng, tác hại của việc ngủ chung không thể so sánh được với những lợi ích tiềm tàng do hình thức này mang lại. Tuy nhiên bản thân họ cũng đưa ra lời khuyên với các cặp vợ chồng đã và đang ủng hộ việc ngủ chung: Cần lường hết những khả năng nguy hiểm có thể xảy ra, cẩn trọng để không gây hậu quả nghiêm trọng.
Trẻ lớn hơn một tuổi: Cần nói “không” với ngủ chung
Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao với trẻ lớn hơn 2 tuổi – khi nguy cơ nghẹt thở đã bị loại bỏ thì ngủ chung vẫn không nên khuyến khích?
Theo bà Wilfson, khi trẻ lớn hơn mà vẫn ngủ chung giường chúng có xu hướng dựa dẫm quá nhiều vào bố mẹ, chúng cần sự bảo bọc của bố mẹ 24/24, cần cha mẹ làm hộ mọi thứ. Song thực tế là việc ở bên con liên tục trong một ngày là không thể. Thay vào đó hãy để cho con nhận biết được rằng chúng có thế làm được mọi thứ, vì cha mẹ sẽ phải đi làm, không phải lúc nào cũng có ở bên chúng. Với những trẻ nhỏ cần cha mẹ chăm lo những nhu cầu cơ bản, điều duy nhất chúng có thể tự làm là đi ngủ. Khi trẻ lớn hơn nữa, nhận thức được nhiều hơn nữa cha mẹ sẽ dạy và hướng chúng tự lập ở những việc lớn hơn. Wilfson khẳng định ngủ riêng là việc đầu tiên nên làm để trẻ làm quen với tự lập.
Giữ liên kết và tạo ra ngoại lệ
Nhằm xóa tan những lo ngại rằng tình cảm giữa cha mẹ – con cái sẽ phai nhạt khi ngủ riêng, bà Wilfson gợi ý:
- Thay vì ngủ chung, cha mẹ có thể biểu hiện tình yêu thương với con bằng những hành động như ôm ấp, hôn, nói yêu con vào bất kì thời điểm nào trong ngày, đọc truyện cho con trước khi đi ngủ. Hãy cho phép con cuộn tròn trong lòng cha mẹ cho tới lúc chúng đã ngủ rồi mới đi về phòng. Đừng quên khen ngợi con đã ngủ đêm ngoan, dũng cảm thế nào vào sáng hôm sau.
- Luôn có những ngoại lệ cho phép trẻ ngủ chung với cha mẹ vào những tình huống thích hợp như con ốm, con có vấn đề về tâm lí cần sự quan tâm đặc biệt, cha hoặc mẹ đi công tác xa, trời mưa và có nhiều sấm sét… Các ngoại lệ này cần được đảm bảo không kéo dài quá lâu, nhắc nhở con nguyên tắc ngủ riêng đã tạo lập cho con ngay từ ban đầu.
Tuệ Anh
(Theo WF, dantri)