Hồi đó, nhà tôi nghèo, thiếu đói quanh năm. Mùa giáp hạt, bố mẹ tôi phải chạy ăn từng bữa. Vậy nên ăn thịt gà là thứ xa xỉ mà chị em tôi không bao giờ dám mơ tới trong những bữa cơm thường ngày. Nhà tôi cũng có nuôi gà, nhưng gà lớn là mẹ đem ra chợ bán, chỉ để dành vài con giết thịt vào những ngày giỗ, Tết.
Những bữa cơm thịt gà hiếm hoi đó là niềm mơ ước của chị em tôi. Tôi là chị lớn nên phải học cách chịu đựng cơn thèm thuồng. Còn hai em tôi, mỗi lần nhà có giỗ, chúng cứ quẩn quanh bên chân bàn, nhìn lên bàn thờ chờ hương cháy hết để bố hạ mâm. Rồi khi thấy bố trao mâm cho mẹ bê xuống bếp, thể nào chúng cũng lẽo đẽo theo sau.
Thường khi mẹ chặt thịt gà, bao giờ cũng ưu tiên cho hai đứa em tôi hai cái chân để chúng gặm trước cho đỡ thèm. Sau đó, mẹ chặt thịt gà xếp lên đĩa mang ra đãi khách. Phần còn lại chẳng đáng là bao, chỉ đủ cho chị em tôi mỗi đứa một miếng nho nhỏ và vài mẩu xương xẩu.
Ngày bố đi lên thành phố phụ hồ để kiếm tiền, thỉnh thoảng, mẹ đi đám giỗ họ hàng thường lấy phần về cho chị em tôi: có khi là nắm xôi với miếng giò lụa, cũng có khi có miếng thịt gà. Chị em tôi chia nhau, vừa ăn vừa khen nức nở.
Năm học lớp 6, tôi đi thi, đỗ học sinh giỏi của huyện, mẹ hỏi: “Con thích gì, mẹ thưởng?”.
- Con thèm thịt gà. - tôi đáp vội.
Chiều tối hôm đó, lúc lùa gà vào chuồng, tôi thấy mẹ nhốt riêng một con gà trống vào lồng. Cả đêm, tôi lại háo hức chờ đến bữa cơm trưa hôm sau. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn trọn vẹn một cái đùi gà. Đó cũng là lần đầu tôi cảm nhận được vị ngọt thấm trong từng thớ thịt mà trước đây có lẽ vì ăn vội quá nên tôi không có cảm giác ngon. Mẹ nhìn chị em tôi, cười bảo:
- Đây là phần thưởng học sinh giỏi của chị. Bữa nay, các con ăn thịt gà cho thỏa thích.
Em tôi liến láu:
- Sau này, con cũng sẽ học giỏi như chị để được mẹ thưởng thịt gà.
Chị em tôi ăn hết sạch con gà mà không gợn chút ý nghĩ phải để phần cho mẹ vì đã nhiều lần nghe mẹ nói mẹ không ăn được thịt gà.
Đến bây giờ, khi đã làm mẹ, lòng tôi vẫn không hết day dứt: lời nói dối ngày xưa của mẹ tồn tại trong một thời gian dài mà tôi không nhận ra.
(Theo PNO)