Năm rồi, khi còn là cô dâu mới tinh, hẳn tôi đã hưởng một cái tết vui và trọn vẹn hơn với nhà chồng nếu không mắc một vài “sự cố”.
Tiền lệ nhà chồng là đêm giao thừa mọi thành viên phải quây quần trước bàn thờ gia tiên để chúc phúc, răn dạy, lì xì, phá cỗ. Nó khá trịnh trọng và nguyên tắc, chả bù với tết tự do, thoải mái ở nhà tôi. Thường là đêm giao thừa, mẹ tôi làm một mâm trà bánh cúng bàn thờ còn các chị em tôi cứ đi xem pháo bông hoặc ngủ sớm…
Ở nhà chồng, sáng mùng một, tôi dậy trễ do quên vặn đồng hồ báo thức. Cuống cuồng thay đồ, rời khỏi phòng, tôi sượng chín khi thấy mẹ chồng và các chị em đã soạn sẵn mâm cao cỗ đầy. Tôi không ngờ mọi người lại thức dậy từ năm giờ sáng để quét dọn nhà cửa, nấu nướng và pha trà đón khách. Mẹ chồng nói: “Mai phải dậy sớm hơn, con nhé! Con kẹp tóc lên cho gọn gàng rồi hãy làm việc nhà”. Biết mẹ quở trách trong lòng, tôi cố cười tươi và “lập công chuộc tội”.
Không chỉ trường hợp có chồng xa như tôi mới lạ lẫm, ngại ngùng khi ăn tết “trái tuyến”, Thanh Giang, bạn tôi lấy chồng cùng tỉnh Nghệ An cũng không dễ hòa nhập nhà chồng. Mùng một tết, khi khách vừa bước khỏi cửa thì Giang bị một “quả” khá nặng. “Khách khứa của bố mẹ, con cái không được phép ngồi tiếp chuyện. Hơn nữa, ngày đầu năm mà con cứ hỏi đon hỏi ren và dò xét sẽ khiến người khách ấy gặp rắc rối, lận đận suốt cả năm”. Khi thấy Giang buồn, tiu nghỉu, ông bố chồng nhẹ giọng: “Đúng ra ngày Tết không nên phê bình nhưng bố muốn con hiểu nếp ăn nếp nghĩ của nhà mình khi đã là dâu”. Trước đây, chị dâu của Giang khép nép, lặng lẽ khi về ra mắt nhà chồng khiến nhiều người chê “con dâu có miệng ăn mà không có miệng nói”. Rút kinh nghiệm, đến lượt mình làm dâu, Giang tự tin, xởi lởi, tay bắt mặt mừng với khách của nhà chồng thì lại “dính chấu”. Mỗi người khách đến là một áp lực với Giang. Cô chẳng biết giao tiếp thế nào là vừa phải, đúng đạo, Giang đành ra chào rồi rút lẹ về “hậu cứ”. Chồng đi suốt ngày, về đến nhà là say bét nên chẳng hỏi han, chia sẻ gì được. Đầu năm bị “giũa”, Giang vừa bực mình, vừa giận chồng vì anh không nói trước tính ý của cha mẹ để Giang có ứng xử phù hợp.
Nếu đểnh đoảng, vô ý, rất có thể bạn sẽ bị “trừ điểm”. Không cần đến lúc va vấp, bạn mới rút ra bài học cho mình. Nếu được chồng tiếp sức, cùng chuẩn bị đón tết, mọi việc sẽ nhẹ nhàng. Trước khi về nhà chồng, cô con dâu mới phải tìm hiểu lối sống, nếp nhà chồng, biết những điều nên làm và cấm kỵ vào dịp tết để nhanh chóng “nhập gia”. Mấy ngày đầu, chồng nên luôn sát cánh bên vợ. Chồng kịp thời nháy mắt, níu áo khi thấy vợ suýt lỡ lời, thất thố. Gia đình nào cũng cầu toàn trong những ngày đầu năm nên dĩ nhiên sẽ bực khi con dâu trái ý. Từ đó, cha mẹ chồng dễ nôn nóng và nặng lời uốn nắn, giáo huấn khiến bạn có thể sốc. Đặc biệt, người lớn tuổi thường rất kỵ những mâu thuẫn, xung đột phát sinh trong ngày tết.
“Đầu xuôi, đôi lọt”, con dâu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở tết đầu thì các tết sau sẽ suôn sẻ, vui vầy. Rút kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy, muốn chiều ý nhà chồng thì chỉ có một bí quyết đơn giản là “hỏi trước khi làm”. Nếu chỉ hỏi chồng thì có thể còn thiếu sót vì đàn ông vốn hời hợt, ít ý tứ. Vì vậy, nên hỏi thêm những người khác, học kinh nghiệm từ các chị dâu. Cô dâu mới mạnh dạn “xin” ý kiến của bố mẹ chồng. Mặt khác, trò chuyện với gia đình chồng là cơ hội để thắt chặt tình thâm, giúp chồng cất bớt gánh nặng “cửa giữa” và sẽ hãnh diện về vợ.
Trái tuyến cũng như trong tuyến, thật ấm áp khi chào đón năm mới bên cạnh những người thân yêu, cùng cầu mong mọi sự an lành…
Theo PNO