Khảo sát của Tổ chức bảo vệ trẻ em (Save the Children) tại Việt Nam cho thấy, trong gia đình, người hay bạo hành con cái nhất lại là những bà mẹ.
Theo các bác sĩ, nhiều trẻ em bị stress, trầm cảm vì quan niệm dạy dỗ “thương cho roi cho vọt” của cha mẹ. Những tổn thương về tinh thần và thể xác tác động xấu đến việc hoàn thiện nhân cách và phát triển thể chất của trẻ.
Người thành thị và nông thôn đánh chửi con như nhau
Tại Hội thảo quốc gia “Phòng chống lạm dụng và xâm hại trẻ em” do Bệnh viện Nhi Trung Ương vừa tổ chức, TS Nguyễn Thanh Hương, Đại học Y tế công cộng, cho biết, không chỉ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (lang thang, mồ côi…) mà trẻ em trong không ít gia đình có điều kiện kinh tế cũng bị bạo hành, ngược đãi. Quan niệm “dạy dỗ” con bằng roi vọt vẫn còn phổ biến trong nhiều gia đình.
Theo Th.S Quách Thúy Minh, Chủ nhiệm Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung Ương, nhiều trẻ em đến khám tại khoa trong tình trạng stress, trầm cảm vì cách nuôi dạy có các hình phạt của cha mẹ. Thậm chí trẻ em bị stress ngay trong cách chăm sóc tưởng chừng như hết lòng của người mẹ, đó là việc bắt ép trẻ ăn trong sự quát nạt, mắng mỏ.
Ông Trần Ban Hùng, Trưởng ban Bảo vệ trẻ em của Tổ chức Save the Children, cho biết, ngày càng nhiều trường hợp trẻ bị ngược đãi được phát hiện và đưa ra công luận nhưng chủ yếu là những trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, không có sự chăm sóc đầy đủ của bố mẹ ruột. Việc đánh mắng con hằng ngày tại nhiều gia đình vẫn thường xuyên diễn ra và hầu như ai cũng xem đó là việc bình thường, chỉ có những đứa trẻ cảm thấy bị tổn thương nặng nề.
Theo một khảo sát mới đây của Save the Children, 100% cha mẹ được hỏi thừa nhận từng đánh chửi con ở các mức độ khác nhau. Mặc dù có sự khác biệt về đời sống kinh tế giữa thành thị và nông thôn nhưng mức độ bạo hành đối với con cái của các bậc cha mẹ ở hai khu vực này lại như nhau.
Cha mẹ nên làm bạn cùng con để dạy con tốt hơn. Ảnh: Đức Long
Cần thay đổi quan niệm “thương cho roi cho vọt”
Lần đầu tiên tại xã Đại Từ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), Save the Children tổ chức một lớp tập huấn kỹ năng làm cha mẹ cho các bậc phụ huynh. Ông Trần Ban Hùng cho biết, ban đầu nội dung của buổi tập huấn khiến không ít người cảm thấy buồn cười vì họ cho rằng cứ sinh con ra là đương nhiên họ đã làm được cha mẹ, cần gì phải học.
Nhưng sau đó, phương pháp tiếp cận sinh động khiến các bậc cha mẹ tham gia nhiệt tình, thảo luận sôi nổi. Tất cả đều thừa nhận đánh mắng con là việc làm sai lầm nhưng không thể kìm chế được. Không những thế, các bà mẹ thường là người có hành vi bạo hành con cái nhiều nhất. Khi đặt lại địa vị làm con, có người phát khóc và nói rằng không bao giờ tha thứ cho nhiều hành động trước đây của bố mẹ đối với họ.
Theo ông Hùng, trẻ em nhiều khi là đối tượng cho bố mẹ xả stress, chúng dễ bị đánh mắng oan. Trẻ em cũng là người rộng lượng nhất, cho dù bị đánh mắng nhưng dễ dàng tha thứ cho cha mẹ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, càng lớn lên thì sự rộng lượng này càng giảm đi. Mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng, mỗi độ tuổi lại có nhận thức khác nhau, nên ngay cả con cái trong cùng gia đình cũng không nên áp dụng phương pháp nuôi dạy giống nhau.
Điều mà các chuyên gia của Save the Children nhận thấy rõ đó là hầu hết cha mẹ chưa nắm vững Luật trẻ em cũng như không có hiểu biết sâu về tâm sinh lý trẻ ở từng độ tuổi. Đây là điều mà người lớn cần chuẩn bị trước khi muốn trở thành bố mẹ.
Theo Hà Anh
Baodatviet