Thoạt đầu còn lạ lẫm, bé đứng nép một bên bố, nhưng chỉ sau chừng mươi phút nó quen dần nên tỏ ra dạn dĩ, chạy loanh quanh phòng khách sờ mó lung tung và bắt đầu lục lọi đồ đạc. Sau khi xé tờ báo quăng vương vãi khắp nhà, nó bèn tới bàn làm việc của tôi, ngồi bấm lung tung trên bàn phím máy tính. Khi ấy máy đang hoạt động, sợ hỏng hóc và mất dữ liệu vừa nhập nên tôi rê chuột tắt máy. Màn hình vừa tắt, con bé liền khóc òa đòi bố phải bật máy lên cho nó chơi “ghêm”. Vợ tôi vội vào nhà lấy thêm một thanh sôcôla nữa ra dỗ dành mãi nó mới hết khóc. Ăn hết thanh kẹo, con bé lên ngồi trong lòng bố, đòi uống ly bia trong tay bố mà tôi vừa tiếp thêm, và nó đã được như ý. Một lát sau thấy chùm chìa khóa xe của bố để trên bàn, con bé chụp vội, rồi dùng đầu nhọn một chìa cào trầy xước nham nhở tay vịn cái ghế sa lông… Tất cả những hành vi nghịch ngợm quá đáng dường ấy, lẽ ra phải được bố nó can ngăn ngay từ đầu. Thế nhưng tuyệt nhiên bố của cháu không mảy may phản ứng.
Không muốn để con bé tiếp tục cào phá ghế, vợ tôi liền đứng dậy cầm tay gỡ chùm chìa khóa ra. Lập tức nó lăn xuống nền nhà, đạp hai chân phành phạch, miệng hét: “Bà hư lắm! Bố phải đánh bà cho con nhanh lên”. Bố cháu ậm ờ dỗ con: “Ừ để lát nữa bố đánh bà cho”. Nó nằng nặc hét to hơn: “Không, bố phải đánh bà ngay bây giờ cơ!”. Thế là để chiều con, bố cháu bé phải giả vờ đập tay liên tục vào vai dì. Chỉ đợi có thế, con bé mới ngưng giãy nảy và đứng dậy đòi về.
Hai cha con ra khỏi nhà, vợ chồng tôi ngồi lại ngó nhau đến ngẩn ngơ. Chúng tôi lo sợ nếu con bé được chiều chuộng đến mức muốn gì được nấy như thế, lớn lên sẽ dễ sinh tính kiêu ngạo, ích kỷ… Đáng lo sợ hơn nữa là bố nó đã không biết giúp con nhận ra lỗi là đã làm hư hỏng đồ đạc của người khác. Thay vì bắt con khoanh tay xin lỗi ông bà thì ngược lại, còn đưa tay vờ đánh bà dì để làm thỏa mãn yêu sách vô lối của nó. Nếu những chuyện tương tự được lặp lại nhiều lần, cháu bé sẽ nghĩ, những ai làm trái ý nó đều là người có lỗi, kẻ ấy phải bị trừng trị bằng sức mạnh.
Theo PNO