Từ Hàn Quốc trở về, chồng chị ôm hai đứa con, ngắm ngôi nhà khang trang, nhìn cửa hàng mỹ phẩm to nhất thị xã, rồi nói: “Tất cả những thứ này là của em, anh sẽ không lấy bất cứ thứ gì, chỉ cần em ký đơn…”.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Đổi đời
Năm 2003, anh là thợ hàn trở về sau khi kết thúc công việc tại thủy điện Yaly, cả thị xã Hòa Bình rộ lên phong trào “đi Hàn làm thợ hàn”. Ban đầu, anh chị cũng bỏ ngoài tai nhưng nhìn đứa con thứ hai ra đời mà cả nhà chỉ biết trông vào gánh hàng tạp hóa của chị nên vợ chồng chị đành lên kế hoạch đổi đời.
Cũng phải nhờ người họ hàng ở Hà Nội và mất gần chục triệu đồng, anh mới đăng ký đi Hàn làm thợ hàn được. Bù lại, lương cho người có tay nghề như anh khá cao. Anh động viên vợ chịu khó chăm con một mình, anh đi vất vả mấy năm, khi về có chút vốn làm ăn sẽ thoát nghèo.
Đúng như dự định của anh chị, ngay năm đầu tiên, anh đã gửi được một số tiền kha khá đủ để trả nợ, ngoài ra, còn mua thêm được một chiếc xe máy. Cả thị xã được dịp lác mắt khi thấy chị cưỡi xe đưa đón con đi học. Ngày ấy, xóm giềng ai cũng mừng xen lẫn ghen tị với anh chị. Sau khi hết hợp đồng 3 năm, anh gọi điện về nói rằng vừa “trốn” được ra làm ngoài, lương cao gấp đôi nên cố làm thêm vài năm nữa để lấy vốn về nước.
Nghe chồng nói, trong lòng chị Hoài không khỏi chán nản nhưng thương chồng nên chị lại động viên anh gắng giữ gìn sức khỏe để làm việc tốt. Đã 3 năm xa cách rồi, lại thêm 3 năm nữa, cô đơn một mình nuôi con, dù dư dả tiền bạc nhưng lại vô cùng trống vắng… Rồi anh cũng gửi tiền về, bảo để xây nhà, tìm xem kinh doanh được gì không. Chị Hoài y theo lời chồng, thuê thợ về làm nhà, ngược xuôi tính toán, vay mượn thêm để mở cho bằng được một cửa hàng mỹ phẩm.
Sau 5 năm anh đi, một căn nhà bốn tầng khang trang đã làm xong, cửa hàng mỹ phẩm, thời trang to nhất thị xã cũng bắt đầu hút khách. Nhưng với chị, căn nhà luôn trống trải, cửa hàng chỉ là nơi chị vùi đầu vào công việc để quên thời gian của tuổi thanh xuân đang vùn vụt trôi qua. “Mỗi sáng chủ nhật, ba mẹ con lại ra ngồi ở cửa hàng, nhìn gia đình người ta dắt nhau đi chơi, không chỉ có mình mà cả hai con đều chảy nước mắt. Chính vì thế mà cửa hàng của mình không bao giờ mở cửa ngày chủ nhật, dù biết đó là ngày đông khách. Có lúc bọn trẻ còn hỏi mình rằng bố mẹ bỏ nhau rồi hay sao mà mãi bố không về” – chị Hoài kể.
Chị giục anh về sớm hơn kế hoạch, ban đầu anh đồng ý nhưng sau lại viện rất nhiều lý do để trì hoãn.
Ngày chồng về…
Và sau đúng 6 năm 8 tháng 13 ngày, chị Hoài được nghe anh báo tin duy nhất mà chị chờ đợi: “Ngày mai anh về”. Nhưng nói xong, không để chị kịp reo lên mừng rỡ, anh đã cúp máy. “Anh báo tin đột ngột khiến mình cứ ngỡ như đang mơ vậy. Mình chỉ còn biết đóng cửa hàng, chạy về nhà dọn dẹp nhà cửa. Chiều đón con đi học về, ba mẹ con đi mua hoa, mua vịt chuẩn bị làm món vịt quay mừng đón anh trở về. Còn đêm hôm ấy, mình không tài nào chợp mắt được, nỗi thương nhớ chồng mấy năm biền biệt cứ trào dâng…” – chị Hoài nhớ lại.
Anh xuất hiện ngoài cổng, không mang nhiều đồ đạc như người đi làm ăn xa mới về. Đặt vali xuống anh ngắm căn nhà và ôm lấy hai đứa con chạy ào đến. Chị ngại ngùng đứng từ xa ngắm anh. Anh thay đổi nhiều quá. Anh không còn gầy đen như trước mà hồng hào, mập mạp.
Anh nhìn chị, cười và bước đến, ngồi xuống bàn uống nước. Rồi anh hỏi các con về chuyện học hành, khen nhà xây đẹp, nói nhìn thấy phố xá thay đổi quá nhiều… Chị mang nước đến cho anh và để các con ở lại với anh, còn chị xuống bếp vừa dọn thức ăn vừa nuốt nước mắt vào trong.
Ngồi ăn cơm, anh không một lần nhìn thẳng vào mắt chị, cũng không kể nhiều chuyện bên xứ Hàn. Các con đi ngủ, còn lại hai vợ chồng ở phòng khách. “Anh ấy đi lại không ngừng giữa nhà. Rồi anh cũng mở lời: “Anh đã trót có quan hệ với con gái ông quản đốc, có con đã hai năm rồi, không thể bỏ về được nữa. Mong em hãy tha thứ. Toàn bộ tài sản em cứ giữ. Anh về muốn nhờ em ký đơn ly hôn”. Lúc đó, mình như người rơi xuống vực thẳm, trân trân nhìn anh đặt lá đơn lên bàn, xách vali đi ra khỏi nhà. Sao cuộc đổi đời lại quá đắt giá như thế này?” – chị Hoài bật khóc.