”Cứ thấy tóc nó bạc dần mà sốt cả ruột” – mẹ của GS Ngô Bảo Châu đã xót lòng nói như vậy.
Ngô Bảo Châu có nét mặt giống mẹ nhưng dáng người giống cha – GS.TSKH Ngô Huy Cẩn – một trong những nhà cơ học hàng đầu của VN.
Bà mẹ luôn đổi mới vì con trai
Ngô Bảo Châu giống mẹ – PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền ở một điểm: cả hai đều là học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội. Đấy là một gia đình Hà Nội. Bây giờ, sau chợ Châu Long vẫn còn ngôi lăng dành để tưởng nhớ cụ tổ Trần Lưu Công Huân. Cụ của bà Vân Hiền là Trần Lưu Huệ, sau được công nhận là một danh nhân văn hóa Huế.
|
Bà Trần Lưu Vân Hiền và con trai Ngô Bảo Châu năm 1972
|
Trần Lưu Vân Hiền là một nữ sinh Hà Nội, thuộc đội tuyển học sinh giỏi văn của thủ đô những năm 1963-1964, rồi chị trở thành một cán bộ mang dáng dấp Hà Nội. Nếu nhìn bức ảnh chụp cùng con trai trên thì bạn sẽ tin vào điều đó. Nhưng điều đáng ngạc nhiên chính là con đường học vấn của chị. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa ngành hóa nhưng Vân Hiền lại là tiến sĩ dược học, với đề tài liên quan đến khả năng nâng cao hoạt tính miễn dịch của cơ thể dưới ảnh hưởng của các loài cây thuốc VN.
Tuy nhiên, nếu nói chuyện với bà Hiền hôm nay bạn sẽ tin rằng bà chính là một nhà toán học. Bà nói rõ tất cả mọi chuyện, từ chương trình Langlands đến bổ đề cơ bản, kể cả bổ đề Jacquett, bà kể chuyện ăn cơm và đi nghỉ với gia đình GS Laumon, nói chuyện về giải thưởng của Lafforgue… Phàm bất cứ lĩnh vực nào Ngô Bảo Châu đã đặt chân qua thì mẹ Trần Lưu Vân Hiền cũng có mặt. Bà mẹ ấy đã sinh ra, nuôi dưỡng đứa con trai và để mãi mãi ở bên con, bà cũng luôn đổi mới chính bản thân mình.
Cứ mỗi bận có con anh lại gửi con về cho ông bà trông. Khôn lớn một chút, cháu lại rời ông bà sang ở với bố mẹ, Bà nội cứ lúc bận lúc rỗi, lúc vui lúc buồn. Và càng thế lại càng thương con cháu.
|
Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng mẹ, người thân và vợ, con.
Ảnh gia đình cung cấp
|
Bà kể một chuyện vui: ”Cháu tôi nó ngồi dưới gầm bàn ấy. Đầu cúi xuống, khuỷu tay tì lên đầu gối, bàn tay chống lên cằm. Hỏi: Ngồi làm gì thế con. Trả lời: Cháu đang làm toán”. Rồi sau này có thay đổi, nó tay vòng ôm lên vai, bàn tay sờ sờ dưới cằm: làm toán kiểu nhổ râu. Chắc lúc này GS Ngô Bảo Châu đã sang giai đoạn mọc râu và bạc đầu. Điều này rất phù hợp với phong cách làm toán của Ngô Bảo Châu: anh thường làm toán mà không cần giấy, chỉ khi nghĩ xong mới lấy giấy ra để chép lại. Sự chép lại ấy cũng vô cùng vất vả.
Ôi chao, một gia đình đến là lắm chuyện vui nhưng không lẫn vào đâu được.
|
GS Ngô Bảo Châu và mẹ ở Amsterdam, Hà Lan.
|
Một gia đình khoa học
GS Ngô Huy Cẩn học đại học, có bằng tiến sĩ rồi tiến sĩ khoa học đều ở Nga. Năm 1972, trong thời khắc gay go nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông gia nhập quân đội, và nói vui “Tôi là lính 5 đồng”, tức những chiến sĩ thực thụ, tham gia những cuộc chiến vào sinh ra tử. Sau quân đội điều TS Cẩn về Viện Vũ khí, rồi tham gia biên soạn tài liệu để thành lập Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga. Ông rời quân ngũ với quân hàm trung tá.
Cho dù chặng đường ấy đã để lại nhiều dấu ấn, về cơ bản GS Ngô Huy Cẩn vẫn là một trong những chuyên gia hàng đầu ở Viện Cơ học, thuộc Viện Khoa học và công nghệ VN.
|
GS Ngô Bảo Châu và bố- GS Ngô Huy Cẩn.
|
Có thể nói Ngô Bảo Châu sinh ra và lớn lên trong một gia đình khoa học. Bác họ Ngô Bảo Châu là nhà toán học Ngô Thúc Lanh. Với nhiều sinh viên toán lý bậc đại học, “Đại số tuyến tính” của Ngô Thúc Lanh là một trong những cuốn sách hàng đầu. GS Ngô Việt Trung nói rằng đó là một trong hai cuốn sách mà ông mang theo sang tận Đức và vẫn giữ mãi tới hôm nay.
|
Cử chỉ yêu thương của GS Ngô Bảo Châu dành cho con gái trước giờ lên đường sang Ấn Độ nhận giải Fields. Ảnh: Ngọc Hà
|
GS Lê Tuấn Hoa là người đã dạy Châu từ ngày học phổ thông, hiện nay vẫn là người bạn thân thiết và tin cậy của gia đình. GS Hoa cho rằng bố Cẩn chính là linh hồn phát triển toán học cho Ngô Bảo Châu. Ông luôn tạo cho Châu một niềm khát vọng, một động lực mãnh liệt để vươn tới, nhưng ông không gây cho con bất cứ áp lực nào.
Áp lực ấy bản thân người cha gánh chịu hết thảy bằng cách chọn trường, chọn thầy cho con, bằng cách ông luôn là người tìm ra giải pháp tổng thể trong từng giai đoạn. Để cuối cùng bao giờ Châu cũng hồn nhiên học, hồn nhiên sống, với chỉ một niềm vui duy nhất là tìm tòi và khám phá.
|
GS Ngô Bảo Châu cùng bố mẹ và
hai con tại sân bay Nội Bài ngày 13/8. Ảnh: Ngọc Hà
|
GS Lê Tuấn Hoa nhớ lại GS Ngô Huy Cẩn luôn ở bên con trong bất cứ trường hợp nào. Khi Châu vào lớp chuyên toán, bố Cẩn đã nghĩ đến giải Olympic. Khi Châu sang Pháp, GS Cẩn đã nghĩ đến giải Fields. Ngay cả khi GS Ngô Bảo Châu đã nhận giải Clay, là một giải to lắm rồi, ông Ngô Huy Cẩn vẫn quyết tâm không dừng lại.
Bây giờ nhớ lại, thời điểm GS Ngô Huy Cẩn nhớ nhất là lúc Ngô Bảo Châu làm luận án tiến sĩ ở Pháp: “Hơn hai năm, không tạo ra bất cứ đột phá nào. Đã có lúc tưởng phải thu xếp những kết quả dọc đường để làm ra luận án. Nhưng may quá, mọi sự đã kết thúc tốt đẹp”.
Còn trên blog của mình, Ngô Bảo Châu khẳng định: ”Làm PhD (tiến sĩ) nhanh chưa chắc đã hay. Đây là khoảng thời gian rất quý để bạn tìm ra con đường riêng của mình trong toán học”.
Gửi thơ khóc ông ngoại
|
Châu và mẹ cùng ông ngoại Trần Lưu Hân.
|
Trong gia đình, Ngô Bảo Châu thân thiết nhất với ông ngoại Trần Lưu Hân. Ông cũng chính là người đã dạy Châu học tiếng Pháp cấp tốc để tham dự cuộc sát hạch nhận học bổng.
Ông Trần Lưu Hân là bộ đội, về tiếp quản thủ đô năm 1954, sau học hàm thụ Bách khoa khóa 1, là một nhà kỹ thuật ưu tú về vô tuyến, viết sách và gắn bó với những cuốn truyện ngày nào chúng ta mê đắm: Mít Đặc và Biết Tuốt. Ông ngoại là người hay đưa Châu đi thi, với lòng tin luôn được khẳng định là có ông đưa đi kết quả bao giờ cũng tốt.
Năm 2000 ông ngoại mất. Trước đó Châu đã kịp về ở Việt Nam chăm sóc ông một tháng, cứ bốn ngày lại vào ở với ông một ngày, rồi vào thăm ông bất cứ lúc nào có dịp. Nhưng khi ông mất anh lại không về được.
Bà Vân Hiền kể: “Châu gửi về viếng ông bằng một bài thơ. Đó là bài Tống biệt hành của Thâm Tâm. Thâm Tâm là cha đẻ của một học sinh Trường Trưng Vương, bạn Nguyễn Tuấn Khoa – người đoạt giải nhất cuộc thi toán học sinh giỏi Hà Nội năm 1964. Có lẽ Châu là người sành thơ lắm, anh nhớ ông:
Đưa người ta không đưa qua sông/Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng/Nắng chiều không thắm không vàng vọt/Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Nếu bạn vào thăm blog của Ngô Bảo Châu (Thích học toán) bạn còn thấy anh thật sự là một người sáng tác thơ và đối đáp bằng thơ.
|
Theo TSKH Vũ Công Lập – TTO
(theo giadinh)