V-Bank ngân hàng chỉ gửi không rút
Saturday, November 20, 2010 9:59
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
V-bank là cách nói vui của đàn ông về “ngân hàng vợ”. Ngân hàng này đặc biệt, gửi vào thì dễ, rút ra rất khó.
Bởi muốn rút được thì phải có lý do sử dụng tiền vì mục đích “trong sáng”. Nhưng ở đời có phải chuyện gì cũng phải “sáng rõ như ban ngày” đâu. Thế là trong cái khó, ló cái khôn, quỹ đen ra đời. Và mọi chuyện không dừng lại ở đấy…
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Nắm được tâm lý thích lập quỹ đen của đàn ông, nhiều bà vợ xiết chặt biện pháp “quản lý kinh tế”. Người thì đến thẳng cơ quan chồng, gặp cô kế toán, xin được ghi chép tất cả những khoản thu nhập hàng tháng của chồng để theo dõi. Nếu cô kế toán dễ tính, người vợ có thể xin… ký thay, lĩnh lương hộ.
Có người vợ, buổi sáng chồng đi làm, bỏ vào túi cho chồng trăm nghìn, tính nhẩm rằng với số tiền này đủ để ăn sáng, uống trà và đổ xăng xe máy. Chiều về, tranh thủ lúc chồng tắm, vợ kiểm tra ví xem đã hết chưa. Không ít chị giật mình vì số tiền đưa cho chồng không mất, mà ví của chồng còn “nở” thêm ra.
Tại sao phụ nữ phải khổ sở với việc kiểm soát tiền của chồng như thế? Thật ra đó chỉ là bước đường cùng, thông qua quản tiền để quản chồng. Các chị nghĩ đơn giản rằng, không có tiền thì khỏi “đàn đúm hư thân”, không tiền thì chẳng thể vào quán bia, không thể có tình phí trang trải cho những “phi vụ ái tình”. Không có tiền thì “chẳng ma nào theo”, thế là yên tâm.
Tuy nhiên, các chị đã nhầm. Một anh chồng cặp bồ với một người phụ nữ khá giả. Chị hết sức “thông cảm” vì anh bị vợ quản tiền, nên mỗi khi vào quán ăn, chị thường nhanh nhẹn ra quầy thanh toán tiền trước. Xong, trở lại bàn, chị tế nhị bỏ vào túi anh một vài trăm để anh tiêu vặt, phòng khi hỏng xe. Thời buổi này phụ nữ có tình cảm với đàn ông không phải vì tiền, trừ những cô gái mới lớn, nghèo khó, tìm những đại gia để “kiếm chác”.
ATM muôn năm!
Từ khi các cơ quan thực hiện chế độ trả lương vào tài khoản thì những người vợ cũng mất thói quen “lục ví chồng”. Ví anh nào cũng chỉ có vài trăm nghìn “tiêu vặt”, có kiểm tra thì cũng chẳng phát hiện ra điều gì. Nhìn thấy cái thẻ ATM của chồng cũng chẳng “làm ăn” gì được.
Có chị thử lấy thẻ của chồng ra cột rút tiền, định kiểm tra xem anh ấy có bao nhiêu. Khi máy đòi hỏi “mật khẩu”, chị vợ bấm liều ngày sinh của chồng, máy trả lời “không phải”. Chị thử 6 số cuối điện thoại di động của chồng, máy cũng nói “sai rồi”. Rồi chị thử đủ kiểu, nào là ngày cưới, ngày gặp nhau lần đầu, nhưng chị vợ đâu có biết rằng mật khẩu của chồng là tên của cô “bạn gái cực thân”.
Có chị vợ lúi húi lâu quá ở máy rút tiền, nhiều lần thử và sai quá, máy “nuốt” luôn thẻ của chồng, đành chạy về nhà “thú tội trước bình minh”.
Chỉ tội cho những anh chưa có thẻ ATM, phải cất giấu tiền ở ngăn tủ cơ quan, kẹp trong những cuốn sách dày trên giá sách gia đình hay gửi bạn bè. Có anh kiếm được ít tiền, muốn lập quỹ đen phải gửi tiết kiệm ngân hàng, rồi cái phiếu gửi tiền ấy cũng phải giấu ở nơi không ai biết được. Đã có anh chồng bị tai biến đột xuất, ú ớ không nói được, yêu cầu vợ mang giấy bút để anh viết chỗ anh cất tiền hay thẻ tiết kiệm. Hóa ra anh giấu thẻ tiết kiệm ở dưới đáy bát hương, ngay trên ban thờ, nơi vợ ít nghi ngờ nhất. Thật khổ!
Chẳng lẽ “y học bó tay”?
Cuộc chiến xung quanh vấn đề tiền bạc sẽ chấm dứt khi vợ chồng có sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Vợ “để mắt” đến tiền bạc của chồng, nhưng không nhất thiết phải quản lý quá chặt. Nếu anh nào là người “lương đưa đủ, tối ngủ nhà”, thì các bà vợ cũng nên “nương nhẹ tay” khi các anh muốn rút tiền. Con người sống không phải chỉ có ngày ăn ba bữa, mà còn biết bao nhiêu nhu cầu khác cần chi tiêu. Có những khoản chi tế nhị, chồng đã “cất lời xin”, vợ cũng nên tôn trọng mà chi ra, bởi anh ấy là người hiểu giá trị đồng tiền, không đến nỗi vung phí vào những trò vô bổ.
Những người chồng cũng đừng quá giữ ý với vợ khi có những khoản chi tiêu, nếu công khai thì là đàng hoàng, khi dấm dúi nó là “quỹ đen”. Tiền góp giỗ nhà nội, tiền biếu bố mẹ, tiền hỗ trợ cậu em cưới vợ, tiền cho vợ anh bạn nghèo khó vay, tiền mua quà tặng vợ thủ trưởng, tiền mua hoa tặng “sếp nữ” nhân ngày 20/10… đều có thể nói với vợ. Khi mình thật thà, niềm tin ở người vợ cũng tăng lên, bớt đi những lời “hỏi cung” kiểu: “Tiêu gì mà lấy lắm thế!”.
Nếu vợ chồng đều làm ra tiền, việc chi tiêu cho ăn uống và sinh hoạt hàng ngày “không đáng là bao” so với thu nhập của hai vợ chồng thì có thể thực hiện chế độ “của anh anh vác, của nàng nàng mang”. Thời đại này câu nói “chồng giỏ vợ hom” không phải đúng với mọi hoàn cảnh, mọi gia đình. Mỗi người có thể trích nộp một phần vào quỹ chi tiêu chung, còn lại để ở quỹ tích lũy. Khi đã không tin tưởng nhau thì mọi biện pháp quản lý đều có kẽ hở để người kia “lách luật”. Phụ nữ cũng chẳng nên ôm đồm, đòi quản lý tiền bạc của chồng, rồi lại phải “xuất ra” có khi còn nhiều hơn khoản nạp vào, mà vẫn bị mang tiếng chồng có bao nhiêu tiền bị vợ quản hết!
Theo Đinh Đoàn
Gia đình