Chúng nghiến răng, ưỡn người lên… không chịu để lọt vào miệng mình cái thìa cơm hay cháo mà người ta đang cố ấn vào.
Người ta không chú ý quan sát xem con mình thích học gì, năng khiếu ra sao, thích môn thể thao nào, có ham mê nghệ thuật không? Họ chỉ cần biết là phải học những thứ này, học kiểu này, học chỗ này… mới có thể “thành người” và “hơn người” được. Muốn vậy phải chạy cho con vào trường điểm, trường chuyên, trường nổi tiếng, không thì xin cho con vào trường Tây học phí cao hoặc trường ta học phí Tây thì mới có hy vọng. Học ở trường chưa đủ, còn phải học thêm học nếm, học tại nhà với gia sư này gia sư nọ.
Đó là gia đình, còn nhà trường thì cũng không khác. Để thực hiện mục tiêu “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình” do UNESCO đề xướng, ngành Giáo dục đã “ép” học sinh phải học một chương trình “đồ sộ”, mà nói thẳng ra trong đó có nhiều thứ mà học sinh cũng “ngán tận cổ”. Mà thứ gì đã “ngán tận cổ” thì khó “chui vào đầu” lắm!
Có nhiều thứ học sinh ngày nay phải học: Nào là học bảo vệ môi trường, học pháp luật, học luật giao thông, nào là học chống tham nhũng, nào là học giới tính, nào là học quân sự, học thể dục thể thao, học công nghệ… Quả tình điều gì cũng hay cả, cũng nên học cả. Có điều chắc chắn là đa số học sinh không thể học hết (chưa nói học tốt) một khối lượng kiến thức như vậy. Và thế là bệnh lười học chưa chữa được thì lại xuất hiện bệnh chán học, hoặc văn vẻ hơn là bệnh không hứng thú học…
Phải chăng ép con ăn không đúng cách thì con càng biếng ăn, và ép trò học không đúng cách thì trò càng chán học?
(Theo Bee, afamily)