Tôi nhất trí. Nhưng bình đẳng theo nghĩa của nàng là việc gì cũng phải cưa đôi: vợ đi chợ nấu cơm thì chồng phải rửa bát, nàng giặt quần áo thì tôi phải phơi quần áo, nàng lau nhà tuần này thì tuần sau tôi phải lau, nàng cho con ngủ thì tôi dọn dẹp nhà cửa… Mọi việc cứ thế mà làm.
Lạ một nỗi nàng chỉ nghĩ cưa đôi mỗi việc nhà và chăm sóc con cái, còn những chuyện khác tuyệt nhiên không nhắc đến. Chẳng hạn như chuyện sửa chữa đồ đạc hỏng hóc trong nhà, đóng tiền học cho con, mua sắm vật dụng… Tất nhiên tôi nói ra những điều này không phải có ý tị nạnh với nàng, tôi chỉ muốn làm rõ cái ý “công bằng, bình đẳng” trong suy nghĩ của nàng mà thôi. Nếu tôi mà có suy nghĩ như nàng thì tiền đóng học cho con, mua sắm đồ đạc…thôi thì cứ cưa đôi mà đóng góp.
Hồi nàng mới sinh con, tôi hiểu được nỗi khổ của nàng nên ngoài việc lo cho vợ con một chỗ dựa vững chắc về mặt tài chính tôi còn “lấn sân” sang cả những công việc của nàng. Giặt tã, nấu ăn, đi chợ, cho con ăn…tôi chẳng ngán việc gì hết. Nàng vui vẻ, hài lòng ra mặt, hơn nữa còn tuyên truyền với bạn bè rằng mọi người vợ nên đấu tranh giành quyền bình đẳng ngay từ đầu, kiểu như “dạy chồng từ thủa bơ vơ mới về”.
Tôi không khỏi buồn cười với cái ý nghĩ của nàng, tôi làm những việc đó vì thương và yêu nàng chứ không liên quan gì đến cái chuyện bình đẳng hay không.
Đó là chuyện trước kia, còn giờ khi con trai tôi đã đi mẫu giáo, công việc nhà đã nhàn hơn nhiều, công việc của nàng cũng không có gì là vất vả, trong khi tôi vì muốn lo cho gia đình sung túc hơn, công việc lúc nào cũng ngập ngụa, những tưởng nàng sẽ nghĩ lại cái chuyện bình đẳng kia, ai dè…
Bữa nào cũng vậy, nàng ăn xong là ung dung bật tivi ra xem, còn tôi lụi hụi với chén bát. Hôm vừa rồi bố tôi lên chơi thấy tôi công việc bù đầu, chén bát chất chồng chưa rửa, con cái đã lên giường đi ngủ cả rồi, “tức mắt” quá ông đành đi dọn.
Tôi có thắc mắc thì nàng lại phân bua rằng tôi nhỏ mọn, phân bì, so đo tính toán, rồi vùng vằng, giận dỗi. Chao ôi, sao mà mệt mỏi.
Tôi muốn nói với vợ tôi và những người phụ nữ khác rằng phụ nữ ngày nay đã bình đẳng với nam giới hơn trước kia rất nhiều. Họ được tham gia công tác xã hội, có địa vị trong xã hội và họ xứng đáng được người chồng chia sẻ những công việc nhà. Chính vì thế đừng “cứng nhắc hóa” hay “lố bịch hóa” hai chữ bình đẳng để gây căng thẳng hoặc li tán quan hệ vợ chồng.
Tạo hóa sinh ra người phụ nữ khéo léo mềm mại phù hợp với những công việc nhẹ nhàng như chăm sóc con cái, quán xuyến nhà cửa, nội trợ. Tạo hóa sinh ra người đàn ông có sức chịu đựng bền bỉ, cơ bắp mạnh mẽ phù hợp với những công việc nặng nhọc, chịu áp lực cao, gánh vác trách nhiệm là trụ cột gia đình. Bình đẳng là khi cả hai sẵn sàng chia sẻ với nhau nếu một trong hai cảm thấy mệt mỏi, hoặc đơn giản chỉ là để động viên nhau, chứ không phải cứ cưa đôi công việc mới gọi là công bằng, bình đẳng.
Lan Tường
(theo dantri)