18 tuổi, em băng qua ngưỡng cửa cuộc đời bằng những bước chân khập khiễng…
Đứng trước biển lớn cuộc đời, nếu thiếu cha hoặc mẹ, đôi lúc con trẻ sẽ hụt chân – Ảnh: Quân Nam |
Không được gia đình nội thừa nhận từ khi mới lọt lòng, một bạn trẻ 18 tuổi có “nick” Giti (ngụ TP.HCM) lớn lên trong nỗi khao khát tình yêu gia đình. Sống với mẹ sau khi ba mẹ ly hôn, hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng em vẫn qua nhà ba chơi với anh trai – mối thâm tình ruột thịt mà họ nội không thể chối từ. Lên 18, khi tuổi trưởng thành chạm ngõ cũng là lúc Giti không còn được ba trợ cấp, những buổi gặp mặt anh trai cũng chỉ dừng ở trước cửa nhà.
Gương mặt xúc động, Giti gục đầu trước một nghịch cảnh khác mà hai mẹ con em đang đối mặt: “Người ta đuổi việc em vì nghi mẹ em lấy cắp, bảo nếu mẹ trả tiền thì em được tiếp tục làm việc. Mẹ vừa bị té gãy chân, nằm bệnh ở nhà, sao đổ oan cho mẹ? Em có lỗi gì đâu mà buộc em thôi việc”. Ước mơ dành dụm tiền mua máy tính để học của em sau khi kiếm được việc làm bán thời gian tại một quán bar ưng ý giờ tan thành mây khói…
Tủi thân vào đời
Bố mẹ chia tay, mỗi người một phương, mọi việc chỉ trở nên phức tạp khi có sự hiện diện của những đứa con. Chia đôi ngôi nhà, chia đôi tài sản, chia đôi cả tình thân, những đứa trẻ vào đời với bao hụt hẫng, cô đơn.
Như nick Xù (19 tuổi, TP.HCM) ba mẹ ly hôn từ khi em chưa tròn 2 tuổi. Ngấm trong người “triết lý sống” của ba mẹ “hợp nhau thì sống, không thì đường ai nấy đi cho thoải mái”, càng lớn Xù càng muốn thoát khỏi sự kềm cặp lo lắng từ gia đình. Không hợp tính ba, khắc khẩu với mẹ mỗi lần về thăm mẹ, lại sốc vì những va chạm đầu đời khi tập tễnh kiếm sống, Xù thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán ngán với khao khát muốn sống tự do, độc lập của mình.
Một bạn trẻ khác, Mika (18 tuổi, TP.HCM) lại rơi vào tình huống dở khóc dở mếu khi ba mẹ bất ngờ ly thân năm em 16 tuổi. Ba về quê dưỡng bệnh, mẹ bỏ đi trốn nợ, để lại Mika và em trai lúc này mới 6 tuổi bơ vơ ở nhà. Chưa kịp sốc trước cảnh nhà yên ấm giờ tan nát, Mika phải đương đầu với việc làm sao có tiền chợ và việc ăn uống mỗi ngày. Suốt hai năm ròng rã, hai anh em vật lộn với mì gói đủ món, rau xanh, trứng luộc… Với sự giúp sức của họ
hàng kề bên, cuộc sống cũng dần ổn định. Mika thi đậu vào Trường đại học Bách khoa. Mẹ em đã trở về nhà sau hai năm biệt tích, tìm được công việc làm để kiếm tiền chăm sóc con. Dù vậy, nhớ về cơn “khủng hoảng đói” thời điểm ấy, Mika chưa hết bàng hoàng.
Đừng chia đôi yêu thương
Sợ con cái bất an về tâm lý, tinh thần phát triển lệch lạc sau này là nỗi sợ chung của những cặp vợ chồng trước quyết định ly hôn. Tiếp tục chịu đựng nhau vì con hay chia tay để giải thoát đời sống tinh thần vợ – chồng là câu hỏi khó với những gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”. Dù có chọn lối rẽ nào, các bậc phụ huynh cũng nên chuẩn bị tâm lý cho con cái. Chị H.O. (33 tuổi, TP.HCM), hiện sống với cậu con trai 7 tuổi, tâm sự: “Dù không muốn gặp chồng cũ, nhưng tôi vẫn để anh thăm con trai mỗi năm vào sinh nhật con. Tôi muốn con biết con có ba như người ta và ba rất yêu con. Chỉ là ba mẹ không sống chung nhà nữa thôi”.
Sau những chông chênh, giờ Xù và Giti đang là những tân sinh viên háo hức với cuộc sống mới. Như chia sẻ của Xù trên Facebook: “Em thấy gì khi ngước nhìn bầu trời? Khoảng trời trong ngần, những khát khao trải nghiệm, ước muốn dấn thân để cuộc sống đủ đầy hơn. Trên tất cả, em thấy em tuổi đôi mươi – những hi vọng lung linh như nắng và hạnh phúc trong lành như gió ban mai”…
Nói với con về đổ vỡ Điều làm tôi băn khoăn nhất khi quyết định chia tay chồng là sẽ nói với hai cậu nhóc con tôi, một đứa 12 tuổi và một đứa 5 tuổi, như thế nào về sự đổ vỡ của ba mẹ. Hai cháu sống với tôi. Một thời gian dài khi ly thân, chồng tôi chuyển về sống ở nhà ông nội. Vợ chồng tôi thống nhất nói với hai cháu là ba phải chăm ông vì sức khỏe ông dạo này yếu. Sau khi chúng tôi ly hôn vài tháng, cậu cả bằng cách nào đó cũng lờ mờ đoán ra mọi chuyện. - Mẹ nói thật đi, có phải ba mẹ ly dị rồi phải không? – cậu con trai 12 tuổi nhìn tôi chờ đợi. - Mẹ định đợi thêm một thời gian nữa sẽ kể với con, nhưng hôm nay con hỏi thì mẹ sẽ nói, đúng là ba mẹ không còn sống chung với nhau. - Tại sao vậy ạ? – cháu tỏ ra rất thất vọng. - Như thế này, con đừng xem hai từ ly dị quá nặng nề, đó chỉ là một từ để gọi tên một sự việc, hành động, thế thôi. Ba mẹ không còn là vợ chồng với nhau, nhưng ba mẹ vẫn là ba mẹ của các con, không bao giờ bỏ các con. Hai anh em con vẫn sống chung với nhau, hằng ngày ba vẫn đưa đón các con đi học, các con vẫn gặp ba thường xuyên. Ba mẹ luôn yêu thương các con. - Tại sao ba mẹ lại không cố gắng ở bên nhau nữa? – cháu bắt đầu khóc. - Nín nào, con không khóc nhé! Hằng ngày đi làm về, mẹ đã rất mệt mỏi, ba mẹ lại hay mâu thuẫn với nhau, cãi nhau nhiều, ảnh hưởng không tốt đến các con, các con có vui không? Nên mẹ chọn cách giải quyết tốt nhất cho cả ba mẹ và cho cả hai đứa. Vì các con, mẹ vẫn có thể tạo ra một vỏ bọc ngọt ngào cho gia đình, nhưng vỏ bọc thì cũng sẽ đến lúc vỡ tan khi mẹ không thể chịu đựng, lúc đó sẽ càng nặng nề hơn. Cháu có vẻ dịu dần sau cuộc trò chuyện chân thành và kiên nhẫn, nhưng sâu trong thâm tâm vẫn muốn ba mẹ hàn gắn. Phản ứng tâm lý của cháu khi đối diện với chuyện ly hôn của ba mẹ là hụt hẫng, mặc cảm và đầy bất an. Hụt hẫng và mặc cảm với bạn bè, với những người khác về chuyện gia đình. Bất an khi một tuần sau đó, cháu hỏi liệu sau này ba mẹ có “người mới” không. Đó là cảm giác sợ bị bỏ rơi, không còn điểm tựa. Tôi trấn an con: “Dù 10, 20 năm nữa, khi con và em tốt nghiệp đại học và chưa lập gia đình, hai đứa vẫn sống với mẹ. Ba mẹ luôn yêu thương hai con, con nhớ chưa?”. Tôi không dùng cách trả lời cho qua chuyện “khi nào con lớn thì con sẽ biết”. Câu trả lời này sẽ làm trẻ thấy không được tôn trọng và lập tức phản ứng “con lớn rồi!”. Tôi chọn cách chia sẻ mọi chuyện với con như một người bạn, lắng nghe và khuyến khích con nói ra những suy nghĩ của mình, từ đó mới hướng con về mặt tích cực. Đặt con vào tình huống con là mẹ và hỏi xem cảm giác của con như thế nào, cháu sẽ hiểu và thông cảm với mẹ hơn, từ đó dễ chấp nhận sự thật hơn. Khẳng định với con rằng ly hôn không phải là điều quá tồi tệ, rằng con sẽ luôn có ba và mẹ, con trẻ sẽ an tâm và thấy mọi chuyện không quá đen tối. Điều quan trọng nữa là ba mẹ phải cùng nỗ lực để không làm xáo trộn cuộc sống quen thuộc của con quá nhiều. Với con trai nhỏ, vì cháu còn quá bé nên tôi không thể giải thích và phân tích cụ thể như với anh lớn mà chỉ hướng bé hiểu theo ý tích cực của sự việc. Việc chia sẻ với con một cách trung thực là chuyện nên làm, nhưng phải đúng thời điểm và đúng độ tuổi của bé. KẸO NGỐC (ghi theo lời kể của cô giáo T.Q.N.) |
CÔNG LÊ
(Theo TTO)