Chiều nay đi làm về, thấy hàng đống quần áo bày bừa trên giường còn thơm mùi vải mới, là anh biết vợ chuẩn bị trang phục đón Tết cho các con. Năm nào cũng vậy, tầm giữa tháng Chạp là vợ bắt đầu bận rộn với việc Tết nhất.
Nhìn đống quần áo, tưởng như chỉ dịp Tết con mới có cơ hội mặc quần áo đẹp. Anh nhớ, mỗi khi có tiệc tùng, vợ đều dắt con đi mua sắm. Việc đó đã tạo tiền lệ không tốt cho các con, vô tình tập cho con thói đua đòi, ích kỷ. Còn là học sinh tiểu học, nhưng các con đã sở hữu tủ quần áo cao quá đầu, với nhiều kiểu dáng, màu sắc, chất liệu chưa thật cần thiết.
Tết nào anh cũng thương cho cái tủ lạnh nhà mình, phải gánh bao nhiêu là thực phẩm dự trữ. Nhà mình gần chợ, mùng 2 Tết chợ đã họp, rau củ, thịt cá đều tươi ngon, đâu cần thiết phải dự trữ như thế. Rồi còn bánh mứt nữa, em cũng tha về đầy tủ. Khách đến nhà mình lại không nhiều nên cứ sau Tết là em “thanh lý” số thực phẩm thừa mứa bằng cách cho vào sọt rác, anh nhìn mà… xót ruột.
Tết nào vợ chồng mình cũng bù đắp một khoản không nhỏ cho việc chi tiêu, mua sắm. Thật ra, chỉ cần một nửa trong số đó là gia đình mình đã có một cái Tết tiết kiệm mà vẫn ý nghĩa, vui vẻ. Em thường kể với anh về thời thơ ấu khốn khó của mình. Em là con út, những ngày Tết phải mặc quần áo cũ do các chị để lại. Vì thế, em không muốn các con phải thiếu hụt từ vật chất đến tinh thần. Em luôn bảo thủ cách nghĩ, đầu năm mới trong nhà phải đầy đủ mọi thứ thì sẽ sung túc cả năm, nên thoải mái mua sắm. Việc chuẩn bị Tết của em, do đó đã trở thành lãng phí, không thực tế, khi quanh ta còn biết bao người nghèo khó, kinh tế gia đình mình lại chẳng mấy dư dả.
Sau mỗi cái Tết, em lại than thở chuyện “cháy túi”. Ra Giêng, em vùi đầu vào công việc để bù đắp “lỗ hổng” thâm hụt, anh lại càng thấy thương người vợ tội nghiệp của anh. Anh không phủ nhận sự đảm đang của vợ nhưng dù sao, khi chi tiêu, em nên xem lại khả năng thực tế của mình. Làm được vậy, Tết ở nhà ta sẽ càng vui hơn.
Theo PNO